Chào mừng bạn đã đến với website Trung tâm Y tế Huyện Quảng Trạch

Tin hoạt động ngành

Phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên

3/5/2023 10:08:28 AM

Trong tự nhiên có không ít loại động vật, thực vật có chứa những độc tố tự nhiên, như nấm độc có chứa độc tố amatoxin, cá nóc có chứa độc tố tetrodotoxin… gây ngộ độc, thậm chí tử vong cho người ăn nhầm hoặc do chế biến không đúng cách. Vì vậy, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nấm lạ, cá nóc để chế biến thực phẩm.

       1. Những thực phẩm chứa độc tố tự nhiên:

       Những năm qua, các tỉnh, thành trong cả nước đã ghi nhận những vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, như trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022 đã ghi nhận 02 trường hợp tử vong do độc tố côn trùng sâu ban miêu, 03 trường hợp bị ngộ độc do ăn trứng cóc, 08 trường hợp ngộ độc do uống nước đun nấu từ thân cây lá ngón… Nguyên nhân người dân thường có thói quen hái và sử dụng các loại rau, quả rừng, nấm hoang dại hoặc thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá nóc, con cóc, con so,... Ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên thường có số người mắc thấp nhưng số lượng người tử vong lại chiếm tỷ lệ cao.

       Các chuyên gia cho biết, thực phẩm có độc tố tự nhiên là loại thực phẩm bản thân có sẵn các chất độc. Các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên được chia làm hai loại: Thực phẩm có nguồn gốc động vật (như cá nóc, so biển, ốc bùn răng cưa, cua mặt quỷ, cóc, mật cá...) và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (như nấm độc, măng, sắn độc, lá ngón...).

      Tuy nhiên, tùy loại thực phẩm và lượng tiêu thụ cũng như cách chế biến mà người ăn có thể bị ngộ độc và biểu hiện với các mức độ khác nhau như: Buồn nôn, nôn, rối loạn cảm giác, vận động, co giật, hôn mê hoặc mạch nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, tím tái, khó thở, ngừng thở... Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên thường liên quan đến tính chất địa lý, mùa vụ khai thác, thu hái thực phẩm.

  

       2. Một số khuyến cáo để phòng tránh ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên thường gặp gồm:

       - Không ăn cá nóc, so biển, bạch tuộc xanh, ốc bùn răng cưa dưới bất kỳ hình thức chế biến nào kể cả đã đun chín, phơi khô, sấy, làm mắm…

       Chất độc của cá nóc là Tetrodotoxin - một loại độc tố thần kinh cực độc, không màu, không mùi, không vị, tan trong nước, có tính kháng nhiệt cao, chịu được nóng và không bị nhiệt phá hủy, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại. Chất độc cá nóc là thành phần có sẵn trong cá, trong buồng trứng và gan có nhiều độc tố, trong dạ dày và cơ quan nội tạng khác có ít hơn.

       Con so cũng là loài cực độc, giống độc tố cá nóc. Con so có hình dạng rất giống sam biển, còn gọi là sam lông. So có chiều dài không quá 20-25cm (không kể đuôi). Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hoặc tròn và không có gai. Con so có kích cỡ và trọng lượng nhỏ hơn sam. Về cấu tạo bên ngoài, gai trên lưng so ngắn hơn và ít hơn sam. So sống đơn lẻ, không sống theo cặp như con sam, trừ mùa sinh sản thì con so cũng có thể đi theo cặp như con sam. Vì thế, người ta thường nhầm lẫn con so là con sam còn nhỏ.

     - Không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc; chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

      - Xyanua là chất gây độc trong măng, do vậy khi ăn măng tươi phải ngâm, rửa kỹ trong nước nhiều giờ và luộc bỏ nước nhiều lần trước khi chế biến.

     - Trong sắn cũng có chất độc xyanua. Để loại bỏ chất độc, khi muốn ăn thì phải bóc vỏ, ngâm nước lạnh nhiều giờ trước khi chế biến.

     - Không uống mật cá. Mật cá trắm được truyền miệng có tác dụng tăng cường sức khỏe. Thực tế trong mật cá trắm có chất độc có thể  gây suy gan và suy thận cấp.

     - Con cóc là loài có độc tố Bufotoxin. Thịt cóc giàu dinh dưỡng, không chứa độc tố (trừ khi bị dính độc chất từ các tuyến ngoài da và nội tạng trong khi chế biến). Trong cơ thể cóc có một số bộ phận chứa độc tố hay còn gọi là nhựa cóc (mủ cóc) ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt, trên da, trong gan, buồng trứng có thể gây ngộ độc cấp tính, tỷ lệ tử vong rất cao.

     - Tuyệt đối không sử dụng các loại cây, củ, con vật lạ để ngâm rượu...

      Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể gây tử vong  nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn, uống thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên, người dân cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

 

 

Khoa Y tế công cộng - An toàn vệ sinh thực phẩm